Ứng dụng mã QR trong cuộc sống và trong doanh nghiệp

Hơn bao giờ hết, ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại thông minh để kết nối tức thời với thế giới xung quanh. Sự kết nối này vượt ra ngoài các mối quan hệ xã hội và đi vào thế giới người tiêu dùng, nơi khách hàng tương tác thường xuyên hơn với các thương hiệu yêu thích của họ thông qua các thiết bị thông minh. Một ví dụ về điều này là sự phát triển của QR code trong những năm gần đây, được thiết kế để cung cấp cho người dùng trải nghiệm tương tác liền mạch với một sản phẩm hoặc dịch vụ. 

Mặc dù công nghệ QR đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng đại dịch đã truyền cảm hứng cho nhiều thương hiệu tận dụng mã QR để tạo trải nghiệm không tiếp xúc khi đăng ký cuộc hẹn hoặc xem thực đơn nhà hàng.

Hiện nay, khi nhắc đến mã QR, đa số chúng ta sẽ nghĩ đến việc thanh toán điện tử. Khi thực hiện giao dịch, người dùng chỉ cần quét mã QR là đã có thể thanh toán dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên, ứng dụng của mã QR không chỉ dừng lại ở đó. Dù là trong cuộc sống hằng ngày hay trong môi trường làm việc, thì mã QR cũng có thể ứng dụng ở rất nhiều hoạt động. Hãy cùng Thế Giới In Ấn khám phá các ứng dụng của mã QR trong doanh nghiệp và trong cuộc sống nhé!

1. Ứng dụng mã QR trong cuộc sống hằng ngày

1.1 Quản lý ra/ vào

Hiện nay, các sự kiện ca nhạc hội, talkshow, fanmeeting,… thường bán vé điện tử trên Internet và người mua sẽ nhận được một mã QR có chứa thông tin . Đến sự kiện, người mua chỉ cần check-in bằng mã QR để được vào sự kiện. Ngoài ra, các sân bay, nhà ga tàu hoả,… cũng đang sử dụng hình thức soát vé điện tử này.

1.2 Cung cấp thông tin

Đối với các sản phẩm có kích thước nhỏ hoặc bao bì không đủ không gian để in hướng dẫn sử dụng, thành phần,… thì các nhà sản xuất thường cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng thông qua một mã QR. Tích hợp tất cả thông tin vào một mã QR và người tiêu dùng chỉ cần quét mã để biết thêm đầy đủ thông tin chi tiết về sản phẩm.

Tại các khu vui chơi, khu du lịch, vườn sinh thái,… thường sử dụng mã QR tích hợp bản đồ khu vực giúp khách hàng dễ dàng tìm đường và địa điểm. Hay như trong các viện bảo tàng, khu di tích lịch sử,… thì mã QR có thể được ứng dụng để giới thiệu với khách thăm quan nội dung về di tích, nhân vật, câu chuyện đằng sau những món đồ được trưng bày. 

1.3 Thanh toán online

Trải qua thời gian dài của đại dịch, người ta dần chuyển sang xu hướng giao tiếp “Không tiếp xúc”. Từ việc gọi món đến thanh toán, bây giờ người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR để xem Menu hay thanh toán hoá đơn mà không cần chạm vào vật thể như trước đây. Hiện nay, hầu hết các quán ăn, đồ uống từ cao cấp đến bình dân đều đã có ít nhất 1, 2 phương thức thanh toán online thông qua mã QR.

2. Ứng dụng của mã QR trong doanh nghiệp

2.1 Quản lý kho hàng

Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất và thương mại thì quản lý kho hàng hiệu quả là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Khi ứng dụng mã QR, mã vạch vào việc quản lý kho đã giúp doanh nghiệp kiểm soát hàng hóa hiệu quả hơn, giảm bớt các thao tác khi kiểm tra mã hàng, hạn sử dụng,… Đồng thời hạn chế tối đa sai sót, tránh thất lạc hàng hóa trong quá trình nhập, xuất hàng, kiểm kê… và tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí.

2.2 Thu thập dữ liệu

Các doanh nghiệp nên cân nhắc sử dụng mã QR để hỗ trợ thu thập dữ liệu nhằm bán cho thị trường mục tiêu. 

Ví dụ: bạn có thể thu thập thông tin từ các sinh viên đại học về các nhà hàng họ thường đến trong và sau giờ học. Sau đó, bạn có thể tạo quan hệ đối tác với nhà hàng để hợp tác từ nhiều góc độ.

Mã QR cũng thường được sử dụng để làm phiếu đánh giá, góp ý tại các sự kiện và trong các chiến dịch trực tuyến để đánh giá và theo dõi các chỉ số đặc biệt quan trọng đối với cơ sở khách hàng của doanh nghiệp.

2.3 Nắm bắt khách hàng tiềm năng từ tiếp thị ngoại tuyến

Việc sử dụng mã QR bên trong một tờ rơi hay một bài báo trên tạp chí sẽ giúp bạn mời gọi người đọc quét nó để tải xuống tài nguyên miễn phí hoặc xem video. Đó là một cách tuyệt vời để thu hút khách hàng tiềm năng từ các nguồn ngoại tuyến và nó cũng hỗ trợ đo lường kết quả tiếp thị của bạn.

2.4 Kiểm soát các đánh giá từ khách hàng

Khách hàng có xu hướng thích để lại nhiều đánh giá về doanh nghiệp trên các trang web hoặc mạng xã hội. Vì vậy, việc khuyến khích khách hàng có trải nghiệm tốt nhất và hạn chế các đánh giá tiêu cực trên các trang web là rất quan trọng. Các doanh nghiệp có thể sử dụng mã QR để tạo chức năng đánh giá trên biểu mẫu tùy chỉnh hoặc các trang web khác mà doanh nghiệp có thể kiểm soát được. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được các đánh giá từ khách hàng và đánh giá, nhận biết các sơ sót mà doanh nghiệp mắc phải trong trải nghiệm của khách hàng.

2.5 Quản lý nhân viên

Hiện tại, đa số doanh nghiệp đều có hệ thống quản lý nhân sự riêng, nhiều doanh nghiệp sử dụng mã QR để quản lý, chấm công hằng ngày cho nhân viên. Hay như hiện tại, có nhiều doanh nghiệp còn trang bị danh thiếp điện tử cho nhân viên và in mã QR của danh thiếp lên thẻ nhân viên hoặc danh thiếp cá nhân của họ. Nhờ đó, nhân viên có thể thuận tiện trao đổi thông tin liên hệ cho đối tác, khách hàng và doanh nghiệp cũng có thể theo dõi lượng khách hàng tiềm năng trong tháng và đánh giá năng lực của mỗi nhân viên.

Tóm lại

Ngày nay, hầu hết các điện thoại di động đều có thể dễ dàng đọc và quét mã QR, vì vậy giới hạn duy nhất là sự sáng tạo của riêng doanh nghiệp. Mã QR không cần tốn kém nhiều chi phí để tạo ra và có thể được in trên hầu hết mọi phương tiện vật lý hoặc được sử dụng trong các trang web. Điều quan trọng nhất doanh nghiệp cần nhớ là mã QR cũng chỉ là một trong nhiều công cụ tiếp thị và không phải cứ ứng dụng mã QR thì sẽ có kết quả tốt.